Sáng tạo không gian nghe nhạc trong phòng ngủ
Cập nhật ngày: 28/05/2017 07:41:51
Âm nhạc thường là liều thuốc giải tỏa căng thẳng tốt nhất, cho nên bạn đừng tiếc khi đầu tư cho chốn riêng của mình một dàn âm thanh đáp ứng nhu cầu và sở thích thưởng thức của mình nhé.
Ở đây, không chỉ bàn đến những không gian nghe được thiết kế riêng biệt, do đó bạn không cần ngại ngần khi dàn âm thanh bạn định sắm hay đã có sẵn không được "hoành tráng", chỉ cần nắm được những nguyên lý truyền âm cơ bản và những cách khắc phục nho nhỏ sau đây, archi tin chắc bạn cũng sẽ có một không gian nghe thư thái ngay trong chính căn phòng ngủ của mình.
Nội dung chính
Thiết kế không gian nghe nhạc cho phòng ngủ bình yên
Chúng ta đều biết rằng, âm thanh sau khi phát ra từ loa sẽ phản xạ vào những bề mặt xung quanh, dẫn đến sự triệt tiêu hay cộng hưởng... khiến cho tần số âm thanh bị thay đổi và hậu quả là âm thanh khi truyền đến tai bạn không còn trung thực nữa. Phòng càng nhiều đồ đạc và bề mặt càng cứng thì sự phản xạ âm càng nhiều. Để khắc phục điều này, người ta xử lí tiêu âm.
Với chất liệu, chính những vật dụng bằng vải như rèm cửa, ga gối, hay thảm trong phòng lại là những công cụ hiệu quả trong việc tiêu âm. Và "đáng mừng" rằng, những âm có tần số thấp lại được căn phòng khuếch đại nhiều nhất, đặc biệt là phòng kín. Đây là một giải pháp hay cho những người thích nghe nhạc trầm lắng và nhiều bass.
Nếu bạn thấy treble sau khi điều chỉnh mức thấp nhất vẫn còn cao và chói, bạn có thể thêm thảm sàn, hay đơn giản là lót thêm vải nhung mềm hay thảm nhỏ ngay dưới hay sau thùng loa, bass sẽ được tăng lên đáng kể và treb đương nhiên được giảm xuống.
Gỗ là vật liệu có độ đàn hồi rất tốt, do đó thật tuyệt vời cho việc phát huy hiệu quả âm thanh nếu nội thất của bạn được áp nhiều gỗ. Bởi nó giúp tán âm, làm cho âm thanh đều hơn, ít bị vọng. Để loa của bạn trước một bức vách hay vật dụng bằng những thanh gỗ ghép có những khe hở là biện pháp tán âm cực kì hiệu quả.
Về vị trí đặt loa, đương nhiên một căn phòng rộng rãi và thoáng vẫn có nhiều ưu thế.
Điều cơ bản đầu tiên đó là đặt loa hướng về phía người nghe. Các chuyên gia khi thử âm đều đặt loa lệch góc 10-15 độ so với micro test, do đó bạn cũng nên đặt loa lệch góc 10-15 độ với vị trí nghe cố định để có âm thanh tốt hơn. Tâm màng loa nên đặt ngang tai của bạn ở vị trí thường thưởng thức. Và bạn cũng hạn chế đặt loa song song với cạnh tường, đặc biệt là dạng loa có lỗ thông hơi phía sau, bởi như vậy sẽ làm tăng sự cộng hưởng.
Khoảng cách giữa hai loa và khoảng cách từ loa tới tường chắn phía sau loa bằng 44,7% chiều rộng phòng nghe là tiêu chuẩn lí tưởng. Ví dụ, phòng nghe có chiều rộng 4 mét thì khoảng cách giữa 2 loa và khoảng cách từ loa đến tường chắn phía sau loa là 1,778 mét.
Nếu bạn kê loa sát đất hay tường, bạn sẽ làm tăng tín hiệu của âm bass đầu ra, cùng với nó là sự tăng cao thanh áp khiến âm thanh bị dội hay còn gọi là nhiễu. Sẽ là một lỗi lớn nếu bạn để loa ở sát một mảng tường và bố trí chỗ thưởng thức ở sát mảng tường đối diện như đặt loa sát mảng tường để TV và nằm nghe nhạc trên giường ngủ. Càng đặt xa tường, âm bass càng giảm.
Xem thêm: Sáng tạo mẫu phòng ngủ mang đậm chất nữ tính
Với những không gian hẹp, do khoảng cách ngắn giữa các bức tường, tần số cộng hưởng dễ trùng với tần số phát ra của loa, gây hiện tượng khuếch âm, làm giảm đi âm bass. Để nghe được những âm tần số thấp khoảng 20Hz, căn phòng phải có đường chéo tối thiểu 8,53m; tuy nhiên, nếu bạn thích những âm trầm, thì mức độ 50Hz vẫn chấp nhận được và cảm thấy dễ chịu, điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần căn phòng với đường chéo tối thiểu 3,41m.
Thêm một lưu ý cho bạn nếu căn phòng của bạn có những góc bỏ trống hay những góc chết mà không khí khó lưu thông thì nó chính là thủ phạm khiến âm thanh phản xạ hỗn loạn trong đó và gây nên những tạp âm. Giải pháp đơn giản là lấp đầy những góc trống đó bằng cách bố trí những vật dụng có vải như giá treo quần áo, 1 chiếc ghế nệm hay những bình hoa giả.